Lần theo địa chỉ nơi gia công sản phẩm nồi cơm điện Yasuto tại công ty TNHH Điện tử Việt Nhật- thuộc Khu công nghiệp Vĩnh Khúc- huyện Văn Giang- tỉnh Hưng Yên, phóng viên được tiếp cận “công nghệ” sản xuất nồi cơm điện “thương hiệu Nhật” với dàn máy móc đơn giản, lạc hậu, chủ yếu là lắp ráp từ thiết bị có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng cho gần 100 sản phẩm nồi cơm điện khác nhau.
Bên trong vỏ bọc “nồi Nhật”
Từ Nghệ An, theo Quốc lộ 1 A, rồi Quốc lộ 5, chúng tôi về Khu công nghiệp Vĩnh Khúc- Hưng Yên, cách Thành phố Hưng Yên 45 km, nơi đứng chân nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Việt Nhật sản xuất lắp ráp nồi cơm điện mang thương hiệu Yasuto mà Công ty TNHH Gia dụng Việt Nhật quảng bá và đang được bán rộng rãi tại thị trường Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.... Trong khu lắp ráp rộng với nhà xưởng khang trang trên 70.000 m2 là mấy dàn máy móc giản đơn về dập vỏ nồi bằng tôn, phun sơn, xoong và một số công nhân đang ngồi dán nhãn mác, bao bóng cho sản phẩm xuất xưởng.
Trong các tờ rơi quảng cáo của Công ty TNHH Gia dụng Việt Nhật phát tại Nghệ An, Hà Tĩnh, thì công ty này cho rằng: “Nồi cơm điện Yasuto là loại nồi cao cấp nhất trên thị trường hiện nay, rất dày và nặng gần 1kg, giá bán lẻ 1.250.000 đồng/chiếc. Đây là loại nồi siêu tiết kiệm điện, dùng 1 năm có thể tiết kiệm được 1 triệu đồng tiền điện”. “Nồi giá rẻ, xoong chỉ nặng 2,5 lạng, xoong cao cấp nặng khoảng 5 lạng, còn “xoong chuẩn” của Yasuto nặng gần 1 kg, “có tác dụng truyền nhiệt rất tốt”. Tò mò, tôi hỏi “Xoong nặng” có phải là tốt hơn xoong mỏng không? Đại diện công ty TNHH Điện tử Việt Nhật không giấu diếm vui vẻ cho biết: “Các anh chị muốn xoong nặng bao nhiêu cũng được, nặng chỉ là nặng thôi, không có tác dụng gì, đó là người tiêu dùng thích, nên làm”.
Làm ra vẻ ngạc nhiên trước những “phơi bày” của thế giới “nồi Nhật”, tôi hỏi: “Đây là nồi Nhật hả em?”. Một công nhân cười khúc khích: “Gọi là nồi Nhật thì là nồi Nhật, chị muốn nó là nồi gì thì cứ gọi”.
Tại phòng giao dịch, chúng tôi được giới thiệu tại nhà máy có gần 100 mẫu nồi cơm điện với cấu hình, bộ nhựa, vỏ hoa khác nhau. Trong đó, có nhãn hiệu Yasuto. “Nhãn hiệu thì khác nhau, nhưng chất lượng như nhau”, đại diện nhà máy cho biết. Giá bán cho đại lý từ 300.000- 500.000 đồng/nồi, còn anh chị muốn làm thương hiệu riêng thì chúng em sẽ làm hết, kiểu gì chúng em cũng đáp ứng được. Chị thích cái mác của Nhật phải không? Chất lượng của bọn em ngang ngửa hàng Nhật”.
Chị Đỗ Thị Ninh, nhân viên kế toán công ty kiêm tư vấn khách hàng - người được giám đốc Công ty TNHH Điện tử Việt Nhật ủy quyền dẫn chúng tôi đi, cho biết: Khách muốn làm kiểu dáng gì nhà máy cũng làm được, nồi giả Thái, giả Nhật cũng được, tem, mác công ty làm hết. Giá anh chị chịu, hơi cao một chút. Nhãn mác và kiểm định chất lượng giấy tờ bọn em “bao” hết, giá khoảng 27 triệu đồng là hoàn tất các thủ tục. Còn đối với chảo chống dính, làm “thương hiệu” hết 3 triệu đồng.
Tìm sản phẩm nồi Yasuto đang “bán chạy” tại miền Trung, chúng tôi được công nhân của công ty đưa lại một hộp và được giới thiệu đây chỉ là hàng đơn vị khác thuê gia công tại đây (Công ty TNHH Gia dụng Việt Nhật - PV). “Thế nồi Yasuto chất lượng có tốt hơn những loại nồi khác không? Đại diện nhà máy cho biết: “Cấu hình khác nhau nhưng chất lượng như nhau”. Lý giải hiện tượng cơm không chín, được biết: Bộ phận KCS của Công ty đã kiểm tra kỹ càng, nếu bị lỗi thì do điện áp thấp, dẫn đến cháy mâm điện, đen đáy, cháy dây…
0 nhận xét:
Post a Comment